Mục Lục
Nuôi tôm quảng canh lót bạt là một trong những giải pháp giúp tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này được ứng dụng phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, mang đến giải pháp phát triển bền vững, ít rủi ro, cho nguồn thu nhập ổn định.
Yêu cầu thiết kế hệ thống hồ nuôi tôm quảng canh lót bạt
Chuẩn bị vuông nuôi tôm
Thông thường các vuông nuôi tôm theo mô hình quảng canh thường có diện tích lớn, từ 5.000 – 10.000m2.
Tuy nhiên, trước khi thả tôm, bạn cần có các bước chuẩn bị kỹ lượng các vuông nuôi theo đúng kỹ thuật nhằm đảm bảo cho quá trình chăm sóc được thuận tiện.
- Diện tích mương nước: Chiếm khoảng 30 – 35% diện tích ao nuôi.
- Nếu vuông nuôi tôm có diện tích lớn, chiều ngang rộng thì cần thiết kế thêm mương phụ.
- Tỷ lệ độ sâu của mực nước trong ao nuôi: Trên trảng >0.5m, dưới kênh 1.2 – 1.5m
- Cống cấp thoát nước hoặc ống bọng: Từ 1 – 2 cống hoặc ống bọng có khẩu độ tiêu chuẩn đảm bảo cấp, thoát nước kịp thời.
Chuẩn bị ao lắng
Thông thường, tỷ lệ của ao lắng chiếm khoảng 10 – 15% diện tích vuông nuôi, bạn có thể tận dụng mương vườn hoặc kênh cấp nước làm khu lắng. Ao lắng có vai trò giúp lắng phù sa, chứa nước để xử lý các mầm bệnh trước khi cho vào vuông nuôi, nhằm chủ động nguồn nước.
Chuẩn bị ao ương tôm giống lót bạt
Ao ương tôm giống giúp cho tôm thích nghi được với môi trường trong ao nuôi. Việc chuẩn bị ao ương lót bạt chống thấm sẽ giúp dễ chăm sóc, quản lý tôm trong giai đoạn nhỏ, có thể kiểm soát tốt lượng tôm giống.
Tùy thuộc vào điều kiện nuôi, diện tích, mật độ, thời gian ương giống để thiết kế hệ thống ao và cung cấp oxy sao cho phù hợp nhất.
Chuẩn bị ao lót bạt
Diện tích của ao thông thường có diện tích từ 500 – 1.000m2, độ sâu từ 1m – 2m.
Bể ương và ao lót bạt: Có diện tích khoảng 50 – 100m2, độ sâu 1 – 2m.
Giai đoạn 1 – ương tôm giống
Chuẩn bị
Bể ương, ao lót bạt:
Nước được đưa vào bể ương từ vuông nuôi thông qua túi lọc, và được xử lý kỹ trước khi ương tôm.
Sử dụng hỗn hợp 0.5kg thức ăn số 0 + 3kg mật đường + 2 lít nước + 01 gói vi sinh (227gram/gói), ủ từ 10 – 12 giờ không sục khí.
Sử dụng liên tiếp 3 ngày vào buổi sáng, trong thời gian này sục khí liên tục để tạo Biofloc, sau đó kiểm tra môi trường cho phù hợp trước khi thả giống. Việc tạo và duy trì Biofloc trong giai đoạn ương, cần được cung cấp nguồn carbon cho ao để kích thích sự phát triển của vi khuẩn dị dưỡng, nitơ sẽ hấp thu thông qua việc tổng hợp protein của vi sinh vật.
Có rất nhiều nguồn nguyên vật liệu có thể dùng để cung cấp carbohydrate vào hệ thống Biofloc, bao gồm mật đường hay các nguồn khác. Nguồn carbon hữu cơ bổ sung phân hủy nhanh và dễ dàng là tốt nhất. Bên cạnh đó, kết hợp với nguồn vi sinh nhằm mục đích tạo Biofloc phát triển bền vững.
Chọn và thả giống nuôi
- Chọn giống: Tìm mua tôm giống có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở sản xuất đã được kiểm chứng và đảm bảo chất lượng.
- Thả giống: Mật độ nuôi trong ao đất 30 – 80 con/m2. Ao lót bạt chống thấm HDPE, bể ương: 1.000 – 2.000 con/m2.
Tiêu chuẩn của ao nuôi khi thả giống
- pH: 7.5 – 8.5
- Độ kiềm từ 80 – 160mg/lít.
- Nhiệt độ từ 28 – 30 độ C.
- Độ trong từ 30 – 40cm.
- Màu nước phải là xanh vỏ đậu hoặc xanh nhạt.
- Cấy men vi sinh: Sử dụng DEM liều lượng 1lít/2.000m3.
- Sau khi cấy men vi sinh được 2 ngày tiến hành thả giống.
Quy trình chăm sóc và quản lý
Khâu cho ăn đối với tôm trong ao lót bạt và bể ương
Lượng thức ăn được tính cho 100.000 tôm PL15 như sau:
- Ngày đầu tiên: 300g.
- Từ 2 – 10 ngày: Mỗi ngày tăng thêm 50g thức ăn.
- Từ 11 – 20 ngày: Mỗi ngày tăng thêm 150g thức ăn.
- Từ 21 – 30 ngày: Mỗi ngày tăng thêm 300g thức ăn.
Các yếu tố môi trường nuôi tôm quảng canh lót bạt
- Độ pH của nước: Cần kiểm tra 2 lần/ngày.
- Kiểm tra độ kiềm NH3 định kỳ 1 tuần 1 lần.
- Trong quá trình ương tôm, cần vôi, khoáng chất nhằm ổn định các yếu tố của môi trường nuôi.
- Từ 7 – 10 ngày có thể sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm làm sạch ao nuôi định kỳ.
Chăm sóc – nuôi tôm quảng canh lót bạt
Hằng ngày quan sát tôm nuôi, nhất là các phần phụ như: râu, chân bò, chân bơi. Màu sắc, tình trạng vỏ tôm, hoạt động của tôm. Giúp phát hiện những biểu hiện không bình thường và đưa ra hướng xử lý kịp thời.
Bổ sung các khoáng chất như: Vitamin C, khoáng tổng hợp, men đường ruột, bổ gan, tăng sức đề kháng… vào khẩu phần ăn để giúp tôm có sức đề kháng và tăng trưởng tốt.
Giai đoạn 2 – nuôi tôm thương phẩm
Thời gian ương tôm giống thông thường khoảng từ 20 – 30 ngày, là bạn đã có thể chuyển tôm sang vuông nuôi thương phẩm. Mật độ nuôi tôm quảng canh cải tiến lót bạt hai giai đoạn 06 con/m2.
Trong quá trình nuôi cần duy trì màu nước xanh nhạt hoặc nâu nhạt, và độ trong 30 – 40cm là phù hợp, nhằm tạo nguồn thức ăn tự nhiên trong vuông tôm trong suốt quá trình nuôi. Hình thức nuôi tôm quảng canh lót bạt, tùy theo giai đoạn phát triển của tôm để có hình thức sử dụng thức ăn có độ đạm, kích cỡ phù hợp trong quá trình nuôi.
Đối với tôm nuôi 1 – 1.5 tháng tuổi, cần bổ sung thức ăn, sử dụng các loại thức ăn công nghiệp có liều lượng từ 3 – 5% lượng đàn tôm. Bổ sung thêm khoáng, vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn, giúp cho tôm tăng trọng nhanh, có sức đề kháng và phát triển tốt hơn, giúp hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Bạn cũng cần thường xuyên kiểm tra trạng thái hoạt động, sức khỏe của tôm, kiểm tra các yếu tố môi trường của vuông nuôi như:
- Độ pH của nước.
- Nhiệt độ, độ trong, độ kiềm của nước,
- Thường xuyên kiểm tra bờ bao, cống cấp và thoát nước để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Từ 10 – 15 ngày có thể sử dụng chế phẩm sinh học để làm sạch môi trường nước trong vuông nuôi.
Sau thời gian nuôi được 4 – 5 tháng, khi tôm thương phẩm đạt kích cỡ khoảng 30 – 40 con/kg có thể tiến hành thu hoạch có thể thu chọn lọc hoặc thu hoạch toàn bộ vuông nuôi.
Xem thêm: Mô hình nuôi tôm khép kín – Tăng hiệu quả nuôi trồng thủy sản